Lịch sử phát triển

Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh: 20 năm xây dựng và phát triển
      Trong giai đoạn tỉnh nhà còn có nhiều khó khăn, nhưng cùng với việc tập trung xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thì Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trợ giúp, chăm sóc các đối tượng thiệt thòi, yếu thế và công tác bảo đảm an sinh xã hội.
      Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhất là các đối tượng chính sách người có công và các đối tượng xã hội, ngày 08/9/1999, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1860/QĐ-UB thành lập Trung tâm Xã hội tổng hợp Hà Tĩnh (nay là Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh) với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách người có công, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và tổ chức điều dưỡng luân phiên cho các đối tượng người có công với cách mạng.
        Khi mới thành lập, Trung tâm được tiếp nhận cơ sở vật chất từ Dự án Trung tâm thần kinh của Bộ Lao động - TBXH đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Sau gần một năm ổn định tổ chức bộ máy và chuẩn bị cơ sở vật chất, đến tháng 8/2000, lần đầu tiên tổ chức tiếp nhận vào chăm sóc nuôi dưỡng 20 đối tượng, trong đó có 6 đối tượng người có công và 14 đối tượng xã hội; tổ chức điều dưỡng tập trung cho gần 400 đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
      Những buổi đầu hoạt động, công việc đặc thù mới mẻ và tương đối phức tạp, lại là lĩnh vực công tác hoàn toàn mới, từ Ban Giám đốc đến cán bộ, nhân viên chưa có kinh nghiệm, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn… nên công tác tổ chức, triển khai các hoạt động còn gặp nhiều vướng mắc. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Lao động – TBXH, sự sẽ chia của các đơn vị, các địa phương; bộ máy tổ chức ngày càng được kiện toàn; tập thể cán bộ, nhân viên đơn vị luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu bằng tâm huyết, trách nhiệm, tích cực học hỏi, nghiên cứu để từng bước vượt qua đưa công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của đơn vị đi vào chiều sâu và có nhiều khởi sắc.
     Những thành công bước đầu đó đã tạo thêm niềm tin cho cán bộ, nhân viên Trung tâm và đặt những bước đi đầu tiên cho công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và tổ chức điều dưỡng cho đối tượng sau này.
     Để đáp ứng yêu cầu thực hiện các chính sách cho các đối tượng đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật trong giai đoạn mới, ngày 12/01/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 11/QĐ-UB-TC đổi tên Trung tâm Xã hội tổng hợp Hà Tĩnh thành Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.
      Theo tốc độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; các chính sách của Đảng, Nhà nước cho các nhóm đối tượng ngày càng được mở rộng, ngày 19/3/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 722/QĐ-UBND bổ sung thêm nhiệm vụ cho Trung tâm nhằm đa dạng hóa, tăng diện bao phủ các nhóm đối tượng đảm bảo tính toàn diện, tăng quy mô tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng những người không có điều kiện sinh sống tại gia đình tự nguyện đóng góp toàn bộ kinh phí. Đây là một loại hình hoạt động hoàn toàn mới, đòi hỏi phải có sự nâng cao về công tác quản lý và chất lượng chăm sóc. Từ khi triển khai mô hình này đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và chăm sóc, nuôi dưỡng cho 42 lượt đối tượng, đã tháo gỡ được phần nào những khó khăn cho các gia đình.
Tiếp đến, ngày 17/01/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 195/QĐ-UBND thành lập Văn phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội trực thuộc Trung tâm thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
      Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, Trung tâm có sự chuyển mình tích cực về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tổ chức bộ máy được tăng cường; đội ngũ cán bộ nhân viên được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, được sắp xếp, bố trí phù hợp với cơ cấu tuyển dụng, năng lực sở trường, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Số đối tượng được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng và được tư vấn, trị liệu tâm lý ngày càng nhiều: hàng năm nuôi dưỡng tập trung từ 80 - 100 người, tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 2.500 đối tượng; tư vấn, trị liệu tâm lý và trợ giúp cho hàng trăm lượt đối tượng xã hội.
        Theo từng giai đoạn phát triển chung của cả nước, của tỉnh, điều kiện cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, mua sắm thêm, quy mô tiếp nhận được mở rộng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc thực hiện công tác chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng. Năm 2012-2013, Trung tâm được đầu tư xây dựng Dự án Khu điều dưỡng người có công với cách mạng tại huyện Lộc Hà với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng; xây dựng nhà đối tượng chuyên biệt; cải tạo, nâng cấp nhà làm việc và mua sắm máy móc thiết bị kỹ thuật trị giá trên 3,5 tỷ đồng…
      Đến tháng 3/2013, Khu điều dưỡng người có công với cách mạng nằm trên địa bàn xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) chính thức đi vào hoạt động, có vị trí nằm sát biển Lộc Hà với cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị tương đối đồng bộ, đã nâng quy mô tiếp nhận các nhóm đối tượng, có điều kiện giúp cho mọi sinh hoạt và các hoạt động của đối tượng điều dưỡng được thuận lợi. Và cũng chính từ đây, Trung tâm hoạt động tại 2 cơ sở, với chuyên môn mang tính đặc thù; đội ngũ cán bộ, viên chức được lãnh đạo đơn vị bố trí, sắp xếp phù hợp, đảm bảo thực hiện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác quản lý, tổ chức nuôi dưỡng, điều dưỡng các đối tượng…
       Trong điều kiện các chính sách đối với người có công; đối tượng xã hội ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn. Để đảm bảo yêu cầu quản lý, ngày 18/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2001/QĐ-UBND về việc kiện toàn và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh thành Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh, khẳng định một bước trưởng thành và cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng của Trung tâm.
          Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TBXH, tháng 9 năm 2017 chuyển Văn phòng Công tác Xã hội sáp nhập với Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Tĩnh. Theo đó, ngày 22/3/2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 5588/QĐ-SLĐTBXH về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh, quy định rõ cơ cấu tổ chức, chức năng quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật cô đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nguồn thu nhập, không nơi nương tựa; đối tượng không có điều kiện sống tại gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí (đối tượng tự nguyện); tiếp nhận, tổ chức điều dưỡng tập trung luân phiên cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
        Trải qua chặng đường 20 năm, Trung tâm đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, tập thể cán bộ, nhân viên đơn vị luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu bằng tâm huyết, trách nhiệm, biết quên đi những thiệt thòi để đạt nhiều thành tích đáng trân trọng. 20 năm qua Trung tâm đã tiếp nhận, tổ chức chăm sóc nuôi dưỡng cho 189 lượt người (có 49 nam, 140 nữ); tổ chức điều dưỡng tập trung cho trên 40.000 lượt đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
       Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ (trong đó Khu nuôi dưỡng tập trung tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh với diện tích gần 2ha và Khu điều dưỡng Người có công tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà diện tích 1,5ha). Năm 2017, 2018 Trung tâm được Bộ Lao động – TBXH đầu tư xây dựng Nhà đa chức năng tại Khu điều dưỡng để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công; sữa chữa cải tạo nhà chuyên biệt và mua sắm bổ sung, nghiên cứu cải tiến trang thiết bị phục vụ, nhất là sáng kiến cải tiến hệ thống giường nằm cho đối tượng sinh hoạt tại chỗ với quy mô 20 giường đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện môi trường sống của đối tượng...
       Nhờ đó, chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng ngày càng được nâng cao, toàn diện hơn đáp ứng nhu cầu cho đối tượng. Ngoài công tác phục vụ ăn uống hàng ngày, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động về chăm sóc y tế, phục hồi chức năng; chú trọng các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần, thường xuyên gần gũi nắm bắt kịp thời tâm tư, chia sẽ nhằm làm vơi đi những mất mát, thiệt thòi cùng đối tượng. Chương trình phục vụ điều dưỡng thường xuyên được đổi mới, từ năm 2018, Trung tâm đã bố trí, tổ chức đưa các thương, bệnh binh, thân nhân người có công còn đảm bảo sức khỏe đi thăm lại chiến trường xưa, tri ân đồng đội,…được các đối tượng ghi nhận, đánh giá cao; hoạt động thông tin, tư vấn cho đối tượng từng bước có hiệu quả và đi vào chiều sâu.
      Đến tại thời điểm này, quy mô tiếp nhận đối tượng là Người có công, Người cao tuổi, người khuyết tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa và các đối tượng tự nguyện đóng góp kinh phí vào chăm sóc nuôi dưỡng tại Cơ sở 1 là 120 giường; tổ chức điều dưỡng tập trung bình quân hàng năm 3.500 đối tượng.
        Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng trong chặng đường 20 năm qua, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã được tặng nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, năm 2014, Trung tâm vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh ghi nhận, tặng dòng chữ “Tận tụy, Tận tâm, Vẹn lòng dân, Tròn ý Đảng”. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Trung tâm được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc.
         Nhìn lại 20 năm hình thành và phát triển, đây là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó đã được ghi nhận những bước phát triển, trưởng thành và khẳng định vị thế của Trung tâm. Trong không khí vui tươi, phấn khởi, tình cảm đầm ấm và đầy những sẽ chia mà quý vị đại biểu, quý vị khách quý đã dành cho Trung tâm trong buổi lễ kỷ niệm hôm nay, thay mặt cho tập thể cán bộ, viên chức, người lao động và các đối tượng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quý vị đại biểu, các đồng chí đã quan tâm giúp đỡ, động viên chia sẻ và đồng hành cùng Trung tâm trong suốt thời gian qua.
        Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, truyền thống“tương thân, tương ái” của dân tộc ta, Trung tâm Điều dưỡng Người có công - Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ, của Tỉnh, của các ban ngành; sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ nhằm tri ân những cống hiến, sự hi sinh to lớn của các thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng để góp phần xoa dịu bớt nỗi đau mất mát, vơi đi những khó khăn; sẽ chia những bất hạnh, thiệt thòi mà các đối tượng phải gánh chịu, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
         Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới tập thể cán bộ, công nhân viên Trung tâm nguyện tiếp tục đoàn kết, quyết tâm đổi mới, tập trung nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, mở rộng quy mô tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng, nhất là ưu tiên nhóm đối tượng là mẹ, vợ, con Liệt sĩ; cựu thanh niên xung phong đơn thân; con đẻ của người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, thiếu người chăm sóc nuôi dưỡng. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức đảm bảo tính chuyên nghiệp; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nỗ lực phấn đấu, xây dựng Trung tâm hoạt động chất lượng, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay3,857
  • Tháng hiện tại41,380
  • Tổng lượt truy cập2,875,168
VĂN BẢN MỚI

QĐ 30, 31

Công khai dự toán

Thời gian đăng: 29/05/2024

lượt xem: 116 | lượt tải:168

98

Công khai QT 2022

Thời gian đăng: 18/08/2023

lượt xem: 203 | lượt tải:59

05,06,28,78,90,91,97

Công khai dự toán 2023

Thời gian đăng: 18/08/2023

lượt xem: 198 | lượt tải:361

11

Công khai dự toán năm 2022

Thời gian đăng: 06/06/2022

lượt xem: 433 | lượt tải:156

QĐ: 07, 10, 11

Công khai dự toán NSNN

Thời gian đăng: 13/10/2021

lượt xem: 439 | lượt tải:218
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây