Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, chịu nhiều đau thương, mất mát sau hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đây cũng là địa phương chịu tác động thường xuyên của thiên tai khắc nghiệt, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều đối tượng chính sách người có công cũng như đối tượng xã hội có hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 545.000 đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội, gồm 296.000 đối tượng người có công với cách mạng (trong đó có hơn 45.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên), gần 70.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, hơn 69.000 đối tượng người khuyết tật, 9.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 169.000 người cao tuổi, hơn 1.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý cần được sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ...
Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cùng với việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và trợ giúp, chăm sóc các đối tượng thiệt thòi, yếu thế. Nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhất là các đối tượng chính sách, người có công và các đối tượng xã hội, ngày 08/9/1999, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1860/QĐ-UB thành lập Trung tâm Xã hội tổng hợp Hà Tĩnh (đến nay được đổi tên là Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh) với chức năng, nhiệm vụ tổ chức quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách người có công, các đối tượng người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa và tổ chức điều dưỡng luân phiên cho các đối tượng người có công.
Khi thành lập, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội được tiếp nhận cơ sở vật chất từ Dự án Trung tâm thần kinh của Bộ Lao động - TBXH đầu tư xây dựng. Lúc này, đội ngũ cán bộ nhân viên của Trung tâm mới chỉ có 3 người; đến tháng 4/2000, tổng số cán bộ, nhân viên là 19 người (3 viên chức, 16 lao động hợp đồng). Sau gần một năm ổn định tổ chức bộ máy và chuẩn bị cơ sở vật chất, đến tháng 8/2000, Trung tâm tiếp nhận 20 đối tượng vào chăm sóc nuôi dưỡng, trong đó có 6 đối tượng người có công và 14 đối tượng xã hội. Và cũng là năm đầu tiên tổ chức điều dưỡng tập trung cho gần 400 đối tượng người có công với cách mạng đến từ các địa phương trong tỉnh. Thành công bước đầu đã tạo thêm niềm tin cho cán bộ, nhân viên Trung tâm và đặt những bước đi đầu tiên cho công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và tổ chức điều dưỡng cho đối tượng sau này.
Đặc biệt, trước sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Lao động – TBXH Hà Tĩnh, bộ máy tổ chức Trung tâm ngày càng được kiện toàn, từ đó, công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của đơn vị có nhiều khởi sắc và đi vào chiều sâu. Đến ngày 19/3/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 722/QĐ-UBND bổ sung thêm nhiệm vụ cho Trung tâm để tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng những người không có điều kiện sinh sống tại gia đình tự nguyện đóng góp toàn bộ kinh phí. Đây là một loại hình hoạt động hoàn toàn mới, đòi hỏi phải có sự nâng cao về công tác quản lý và chất lượng chăm sóc. Từ khi triển khai mô hình này đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và chăm sóc, nuôi dưỡng cho 42 đối tượng.
Tiếp đến, ngày 17/01/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 195/QĐ-UBND thành lập Văn phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội trực thuộc Trung tâm với 5 biên chế theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chức năng nhiệm vụ của Văn phòng là tuyên truyền, phổ biến nghề công tác xã hội; tư vấn, tham vấn và trợ giúp các đối tượng xã hội được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, trị liệu, hỗ trợ phục hồi tâm lý; kết nối, chuyển tuyến cung cấp các dịch vụ xã hội; tổ chức các hoạt động trợ giúp cộng đồng, phát triển mạng lưới và nâng cao năng lực cho cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng.
Trong giai đoạn 2007 – 2013, Trung tâm có sự chuyển mình tích cực về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tổ chức bộ máy được tăng cường gồm: Ban Giám đốc, 4 phòng chuyên môn là Phòng Tổ chức - Hành chính tổng hợp; Phòng Y tế; Phòng Quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và Văn phòng Cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Đội ngũ cán bộ nhân viên được bổ sung về lượng, nâng cao về chất, được sắp xếp, bố trí phù hợp với cơ cấu tuyển dụng, năng lực sở trường, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Số đối tượng được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng và được tư vấn, trị liệu tâm lý ngày càng nhiều: nuôi dưỡng tập trung hàng năm từ 80 - 100 người, điều dưỡng luân phiên 2.500 đối tượng người có công/năm; mỗi năm tổ chức tư vấn, trị liệu tâm lý và trợ giúp cho hàng trăm lượt đối tượng xã hội.
Theo thời gian, cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, mua sắm thêm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhiệm vụ được giao, như: Dự án Khu điều dưỡng người có công với cách mạng được đầu tư xây dựng tại huyện Lộc Hà với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà đối tượng chuyên biệt. Cải tạo, nâng cấp nhà làm việc và mua sắm máy móc thiết bị kỹ thuật trị giá trên 3,5 tỷ đồng…
Đến tháng 3/2013, Khu điều dưỡng người có công với cách mạng nằm trên địa bàn xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) chính thức đi vào hoạt động, có vị trí nằm sát biển Lộc Hà với cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ, khang trang đã giúp cho mọi sinh hoạt và các hoạt động của đối tượng điều dưỡng được thuận lợi. Cũng chính từ đây, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh được chia làm 2 cơ sở với hoạt động chuyên môn mang tính đặc thù, thực hiện nhiệm vụ về công tác quản lý, tổ chức điều dưỡng các đối tượng và chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng già cả cô đơn, không nơi nương tựa, người có công với cách mạng, đối tượng xã hội và đối tượng tự nguyện…
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các nhóm đối tượng, ngày 18/7/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2001/QĐ-UBND về việc kiện toàn và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh thành Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến cuối năm 2017 chuyển Văn phòng Công tác Xã hội sáp nhập với Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Tĩnh. Đến ngày 22/3/2018, Sở Lao động – TBXH Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 5588/QĐ-SLĐTBXH về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh. Theo đó, Trung tâm có chức năng quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật cô đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nguồn thu nhập, không nơi nương tựa; đối tượng không có điều kiện sống tại gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí (đối tượng tự nguyện); tiếp nhận, tổ chức điều dưỡng tập trung luân phiên cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Trải qua chặng đường 20 năm, Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại, đảm bảo quy mô, chất lượng (trong đó Khu nuôi dưỡng tập trung tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh với diện tích gần 2ha và Khu điều dưỡng Người có công tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà diện tích 1,5ha). Riêng trong năm 2017 và 2018, Trung tâm tiếp tục được Bộ Lao động – TBXH đầu tư xây dựng Nhà đa chức năng tại Khu điều dưỡng để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người có công với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Năm 2018, 2019, đơn vị đầu tư, sữa chữa cải tạo nhà chuyên biệt và cải tiến trang thiết bị phục vụ, nhất là sáng kiến cải tiến hệ thống giường nằm cho đối tượng sinh hoạt tại chỗ với quy mô 20 giường đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện môi trường sống của đối tượng...
Theo thống kê, 20 năm qua, tổng số đối tượng được Trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung là 189 người (có 49 nam, 140 nữ); hiện đang quản lý chăm sóc nuôi dưỡng 100 đối tượng, gồm: 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 12 thương binh, vợ, con liệt sỹ; 28 người khuyết tật nặng và 60 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa. Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng cho trên 40.000 lượt đối tượng người có công với cách mạng của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2018, được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Lao động – TBXH Hà Tĩnh, Trung tâm đã bố trí, huy động thêm nguồn lực để tổ chức đưa các thương, bệnh binh, thân nhân người có công còn đảm bảo sức khỏe đi thăm lại một số chiến trường xưa như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đường 9 (tỉnh Quảng Trị) và quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) với thời gian 2 ngày, 1 đêm…
Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng cho đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng xã hội trong chặng đường 20 năm, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã được tặng nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua... Đặc biệt, năm 2014, Trung tâm vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Trung tâm nguyện tiếp tục đoàn kết, quyết tâm đổi mới, nỗ lực phấn đấu, xây dựng Trung tâm vững mạnh, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác "Đền ơn đáp nghĩa", đảm bảo an sinh xã hội./.
Trần Viết Tới
Giám đốc Trung tâm ĐDNCC-BTXH Hà Tĩnh